Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TĂNG TỐC ĐỘ ĐỌC SÁCH MÀ KHÔNG CẦN HỌC KỸ THUẬT ĐỌC NHANH?

Đọc sách nhanh hơn - đó là mơ ước của nhiều bạn, trong đó có cả mình. Nhưng đọc sách nhanh thì có lợi ích gì, và làm thế nào để đọc sách nhanh hơn thì không phải ai cũng biết cách.
Có thể các bạn đã nghe tới những kỹ thuật đọc nhanh (kiểu như phương pháp đọc nhanh của Tony Buzan hay của nhiều người khác đã share trên mạng), bản thân mình cũng đã thử nhiều lần nhưng nhận ra rằng nó đòi hỏi sự tập trung rất cao và dễ khiến đa số mọi người cảm thấy không quen và nản chí ngay từ giai đoạn đầu.
Tuy nhiên có một số cách đơn giản (cả về mặt kỹ thuật lẫn tư duy) có thể giúp bạn đọc tăng tốc độ đọc hiểu của mình lên thì hiếm thấy ai nhắc tới. Vậy nên sau một thời gian kiểm chứng, hôm nay mình muốn chia sẻ tới các bạn những kinh nghiệm này của bản thân, hy vọng chúng sẽ hữu ích cho các bạn.
Đầu tiên, tự hỏi bản thân xem tại sao mình lại muốn đọc nhanh hơn, đọc nhanh hơn thì có lợi ích gì? Theo mình thì việc đọc sách nhanh sẽ mang lại cho bạn những lợi ích thiết thực sau:
1/ ĐỌC SÁCH NHANH HƠN GIÚP TIẾT KIỆM THỜI GIAN VÀ NỖ LỰC CỦA BẠN.
Tiết kiệm thời gian là điều tất nhiên, ai cũng biết rồi, vậy tại sao nó lại tiết kiệm nỗ lực cho bạn. Lấy 2 ví dụ đơn giản, bạn thử trả lời xem nhé:
VD1: Bạn làm một công việc có deadline và một công việc được làm trong thời gian không giới hạn. Theo bạn, loại công việc nào sẽ khiến cho bạn làm việc một cách tập trung, nghiêm túc và hoàn thành nó nhanh chóng hơn?
VD2: Bạn tham gia một cuộc đua xe đạp dài 20km và cũng vẫn độ dài ấy nhưng bạn lại đi xe đạp để du lịch. Theo bạn, trường hợp nào bạn sẽ hoàn thành chặng đường một cách nghiêm túc, tập trung và nhanh chóng hơn?
Câu trả lời cho cả 2 ví dụ tuyệt nhiên là phương án 1. Vậy tại sao chúng ta lại không liên hệ chúng với việc đọc sách. Đã bao nhiêu lần bạn đọc một cuốn sách và cảm giác như nó dài bất tận, và đã bao nhiêu lần bạn đọc dở một cuốn sách và không tiếp tục đọc lại nó nữa? Mình cá là rất nhiều lần, kể cả mình cũng vậy. Lý do rất đơn giản, bạn càng kéo dài thời gian đọc sách, bạn càng ít nỗ lực và tập trung hơn để hoàn thành nó, càng dành ra ít nỗ lực để hoàn thành nó, bạn càng cảm thấy mệt vì thời gian để làm việc đó bị kéo dài dường như vô tận. Vậy nên hãy cố hoàn thành việc đọc một cuốn sách (hay bất kỳ một việc gì khác) trong một thời gian hạn định, nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian và sức lực rất nhiều.
2/ ĐỌC SÁCH NHANH HƠN GIÚP BẠN HẤP THỤ ĐƯỢC SÁCH CẢ VỀ SỐ LƯỢNG LẪN CHẤT LƯỢNG TỐT HƠN.
- Về số lượng: tất nhiên rồi, bạn càng mất ít thời gian hơn để hoàn thành một cuốn sách, bạn càng có nhiều thời gian hơn để đọc những nội dung khác. Quỹ thời gian thực là không đổi, nhưng thời gian để hoàn thành một cuốn sách là có thể thay đổi.
- Về chất lượng: nhiều người nghĩ rằng đọc sách nhanh thì sẽ bỏ qua mất nhiều nội dung của sách, hay bỏ qua luôn cả công đoạn ngẫm nghĩ sách và sẽ nhanh quên nên thà đọc chậm còn hơn. Đây là một lỗi tư duy thường gặp (và mình cũng đã từng gặp phải) nhưng xin thưa rằng nó không hoàn toàn đúng. Mình sẽ giải thích ở phần dưới cho các bạn. Nhưng xin khẳng định việc đọc sách nhanh hoàn toàn có thể giúp bạn đạt được mục đích thâu tóm được mặt chất lượng của cuốn sách - tức nội dung của nó - một cách hiệu quả.
--------------------------------------------------------------------
NHỮNG TƯ DUY VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐỂ "NUỐT CHỬNG" MỘT CUỐN SÁCH NHANH HƠN.
1/ THẾ NÀO LÀ NHANH?
Đầu tiên, chúng ta phải định nghĩa được thế nào là NHANH. NHANH là một khái niệm tương đối, với người A thì nhanh phải là đọc 1 trang 1 phút, người B thì phải 2 trang 1 phút mới gọi là nhanh. Bởi vậy mà mình chỉ dùng từ NHANH HƠN chứ không dùng từ NHANH. Nhưng bạn yên tâm, cứ mỗi lần bạn NHANH HƠN một chút cũng là bạn đang đạt tới tốc độ NHANH mà bạn đặt ra cho mình.
2/ VẪN CÂU HỎI : THẾ NÀO LÀ NHANH?
Nhiều người nghĩ rằng đọc nhanh là phải đọc CON CHỮ nhanh, tức là trong một thời gian nhất định bạn phải ngấu nghiến được nhiều câu nhất, nhiều dòng nhất, nhiều trang nhất có thể. Nếu như hiểu rằng NHANH là vậy thì chúng ta đang bỏ quên mất thứ quan trọng nhất mà chúng ta cần khi đọc một cuốn sách, đó là THÔNG ĐIỆP.
Ví dụ thế này nhé, mình sẽ mô tả một cô gái:
"Có một cô gái rất xinh đẹp đang đứng ở bên chiếc máy bay của tổng thống Obama. Cô ta mặc một chiếc áo thun màu đen, ở giữa chiếc áo thun là một hình vẽ giống như một bông hoa nhưng với hoa văn rất cầu kỳ và kỳ lạ. Bông hoa ấy xanh nước biển, ở giữa là nhụy màu hồng và điểm những chấm nhỏ tựa như những con ong đang hút mật ở đó. Chiếc quần cô ta mặc cũng kỳ quái không kém, nó giống như một chiếc quần thổ cẩm nhưng làm bằng chất liệu như của quần jean. Một tay cô ta xỏ vào túi quần, tay kia cầm điếu xì gà Cu Ba. Cứ vài giây, cô ta lại đưa điếu xì gài lên miệng rít từng hơi một và nhả ra một làn khói trắng xóa bao phủ cả chiếc kính râm thời thượng của mình..."
Ok, bạn đọc xong rồi chứ. Vậy cho mình hỏi với một đoạn ngắn như vậy bạn nhớ được những gì về cô gái. Có thể sẽ chỉ là: "Một cô gái xinh đẹp đang đứng cạnh một chiếc máy bay" hoặc thứ đọng lại trong bạn là HÌNH ẢNH về một cô gái với những chi tiết như mình miêu tả.
Rõ ràng là trong đầu chúng ta không tua lại từng con chữ, mà nó tóm gọn lại bằng một Ý CHÍNH nào đó, hoặc bằng một HÌNH ẢNH cụ thể.
Tưởng tượng rằng khi bạn nói chuyện với mình, mình sẽ miêu tả lại cô gái trên cho bạn nhưng là bằng lời nói, tốc độ não bạn phải xử lý thông tin sẽ nhanh hơn rất rất nhiều so với khi bạn đọc. Và kết quả là bạn tóm gọn nó thành một Ý CHÍNH hay một HÌNH ẢNH, chứ bạn không tua lại từng câu, từng chữ mình nói. Mà bản chất của văn bản lại là một dạng lưu ÂM THANH bằng CHỮ VIẾT (giống như ghi âm vậy).
Vậy tại sao chúng ta chưa bao giờ nghi ngờ khả năng nắm bắt thông điệp của mình khi giao tiếp bằng lời nói nhưng lại luôn sợ rằng khi mình đọc nhanh thì sẽ bỏ qua mất thông điệp cuốn sách muốn truyền tải, mặc dù tốc độ bạn phải xử lý thông tin khi nghe nhanh hơn gấp nhiều lần tốc độ xử lý thông tin khi đọc. Quả là vô lý!
Vậy nên một lần nữa, chúng ta thấm thía rằng chúng ta đọc là để nắm bắt THÔNG ĐIỆP thay vì nắm bắt CON CHỮ.
3/ LÀM THẾ NÀO ĐỂ NẮM BẮT THÔNG ĐIỆP NHANH HƠN?
Ok, sau khi đã hiểu bản chất của đọc là nắm bắt THÔNG ĐIỆP thì câu hỏi tiếp theo được đặt ra là làm thế nào để nắm bắt THÔNG ĐIỆP nhanh hơn.
Chắc hẳn có rất nhiều bạn biết đến nguyên lý 80/20 của nhà kinh tế học người Ý Pareto. Nếu muốn tìm hiểu nguyên lý này các bạn có thể tìm đọc trên mạng, còn trong nội dung bài viết này thì mình sẽ tóm gọn ý nghĩa của nguyên lý này như sau:
20% CON CHỮ TRONG MỘT CUỐN SÁCH CHIẾM TỚI 80% KHỐI LƯỢNG THÔNG ĐIỆP SÁCH MUỐN TRUYỀN TẢI.
Con số 80/20 chỉ là tương đối mà thôi, nên có khi là 5% con chữ trong sách đã truyền tải tới 95% thông điệp sách muốn truyền tải rồi. À, các bạn đừng nhầm lẫn là X% + Y% cứ phải ra tổng 100% nhé, nó có thể ít hơn hoặc nhiều hơn. Nhưng mình không nói bạn sẽ hiểu được 100% sách muốn truyền tải bởi vì người viết và người đọc luôn có hệ quy chiếu và thế giới quan khác nhau, nên việc hiểu hết 100% ý tác giả (tức là nguyên xi) là không tưởng. Nhưng cũng đâu cần phải đạt được mức hoàn hảo đó, bởi chúng ta chỉ cần hiểu THÔNG ĐIỆP của sách và quan trọng là áp dụng vào cuộc sống và cách hiểu của mình thôi mà.
Vậy bí quyết ở đây là hãy lược bỏ con chữ đi để nắm bắt thông điệp được tốt hơn. Để mình lấy một ví dụ, khi mình học IELTS, mình thường phải đọc những bài viết mà mình không hề biết hết tất cả các từ trong đó, nhưng chỉ nhờ những câu mình biết, hoặc mình đoán ra nghĩa của nó; sau khi xâu chuỗi lại mình đã có thể hiểu được bài viết muốn nói về điều gì. Điều này chứng minh rằng không cần cứ phải đọc hết tất cả nội dung con chữ trong sách để thâu tóm được thông điệp của sách. Và để không cần phải đọc hết nội dung con chữ, bạn có một cách, đó là ĐỌC LƯỚT.
- ĐỌC LƯỚT ở những chỗ mô tả, đi sâu vào chi tiết. Ví dụ trong sách văn học hay sách khoa học, sách kinh tế, phát triển bản thân, sẽ có rất nhiều đoạn tác giả dẫn dắt bằng những câu chuyện, họ sẽ đi sâu vào miêu tả những chi tiết thừa thãi, việc của bạn là nhận ra những chỗ nào tác giả đang đi lệch ra khỏi nội dung họ muốn nói tới và bỏ qua nó.
- ĐỌC LƯỚT bằng cách xem mục lục để xem sách hệ thống nội dung như thế nào, để ta có thể có cái nhìn tổng quan hơn về sách. Trong mỗi chương lớn, xem trong đó những chương nhỏ đề cập tới vấn đề gì, vấn đề nào mình cần đọc, muốn đọc, vấn đề nào không cần đọc lại nữa (vì có thể đã thấm nhuần khi đọc sách hoặc tài liệu khác). Có nhiều sách mà tác giả đã rất tâm lý khi cuối mỗi chương có tổng kết lại các ý chính, bạn cũng có thể tận dụng nguồn này để hiểu nhanh hơn thông điệp sách muốn truyền tải.
- ĐỌC LƯỚT với một cây bút chì, sẵn sàng khoanh vào chỉ 3,4 câu trong một chương. Đừng khoanh quá nhiều ý trong một chương, càng khoanh ít chứng tỏ bạn càng biết nội dung chương đó đang xoay quanh vấn đề gì. Thường thì trong một chương sẽ có rất nhiều mô tả, ví dụ, dẫn dắt xoay quanh Ý CHÍNH của chương đó, vậy nên khi đọc hãy luôn tự hỏi Ý CHÍNH mà tác giả đang muốn đề cập tới ngay từ đầu là gì. Khi nào cảm thấy tác giả đang xa rời nó, sẵn sàng BỎ QUA không đọc tiếp. Tốt hơn nữa thì có một quyển sổ để ghi chép và tổng hợp lại những ý chính trong sách mà mình tìm được. Vẫn nguyên tắc CÀNG NGẮN GỌN CHỨNG TỎ CÀNG HIỂU SÁCH.
- ĐỌC LƯỚT bằng cách ĐỌC NHIỀU HƠN. Đọc nhiều hơn sẽ tự động sinh ra cho bạn TRỰC GIÁC biết rằng đoạn nào tác giả đang "lan man" và bạn sẽ dũng cảm và khôn ngoan hơn để bỏ qua đoạn đó. ĐỌC NHIỀU HƠN sẽ giúp bạn có được khối lượng kiến thức và sự thông hiểu tốt sẵn có về một vấn đề, để đến khi chạm vào vấn đề đó ở một cuốn sách khác, bạn không cần phải mất nhiều thời gian cho nó nữa. Hãy nhớ: RẤT NHIỀU SÁCH ĐỀ CẬP NHỮNG VẤN ĐỀ GIỐNG NHAU, CHỈ LÀ CÁCH DIỄN ĐẠT KHÁC NHAU MÀ THÔI.
4/ GẠT BỎ TÂM LÝ PHẢI THUỘC LÒNG NỘI DUNG SÁCH TRONG BẠN.
Khi đọc một cuốn tiểu thuyết văn học, hay sách phát triển bản thân, hay sách gì gì đó, chúng ta thường có tâm lý là muốn phải NHỚ được sách nói về cái gì. Nhưng chúng ta lại muốn từ NHỚ phải thật hoàn hảo bằng cách nhớ tất cả các nội dung, thông điệp sách muốn truyền tải. Xin thưa rằng đây là một ước muốn rất hoang đường.
Khi bạn đọc một quyển giáo trình (sách giáo khoa của sinh viên đó, nói thế cho mấy bạn trung học hiểu) thì bạn không bao giờ có tư tưởng phải nhớ tất cả những gì mình đọc được sau lần đọc đầu tiên, đúng không? Bạn phải đọc đi đọc lại nó, làm bài tập nhiều lần thì bạn mới nhớ, mà không phải bạn ép bản thân nhớ mà là bạn sẽ tự nhớ được. Thế mới hay.
Để nhớ được một cái gì đó, bạn có thể ép mình nhớ, nhưng cách này xem ra thường rất mệt và quên cũng rất nhanh (trong đa số các trường hợp); cách khác là bạn để nó tự nhiên nhớ, bằng cách gặp lại nó nhiều lần. Giống như bạn nghe tên 1 người lần đầu, bạn khó có thể nhớ ngay (chỉ là 1 cái tên thôi đấy), nhưng nếu được nghe người ta nhắc đi nhắc lại, hoặc chính bạn nhắc lại tên họ vài lần, bạn sẽ tự nhớ. Vậy thì làm sao chúng ta có thể ép mình phải nhớ nội dung của một cuốn sách chỉ sau 1 lần đọc được, đúng không? Không phải trí nhớ bạn kém, đơn giản là bởi tuyệt đại đa số đầu óc con người được thiết kế như vậy mà thôi.
Vậy thì muốn nhớ: thỉnh thoảng hãy lôi sách ra đọc lại những dòng mà các bạn đã đánh dấu, hoặc ghi chép lại trong sổ tay. Cuốn nào mà các bạn không cầm ra đọc lại, tức là nó cũng chẳng cần thiết để đọc lại với bạn lắm, nên không cần phải lăn tăn nhiều nhé.
5/ LUYỆN TẬP.
Thay vì nói ra một đống những cách thức đọc khác nhau hay viết ra ti tỉ những bước phải làm để đọc nhanh, mình chỉ mong các bạn thực hành được 2 điều này thôi là đã quá tốt rồi:
1. ĐỌC THEO CỤM TỪ:
Đúng vậy, thay vì đọc từng chữ từng chữ một, bạn hãy tập cho mắt các bạn mở rộng phạm vi ra hơn, hãy nhìn và đọc hiểu theo cả cụm. Lúc đầu là cụm 3 chữ, 4 chữ, dần dần các bạn sẽ đạt tới khả năng chia 1 câu ra thành 2,3 cụm là chuyện bình thường. Lúc đầu có thể khó khăn, nhưng chỉ cần bạn vượt qua được ngưỡng khó chịu đó thì bạn có thể làm được chỉ sau 1,2 quyển sách mà thôi. Cơ bản khó chịu là vì bạn chưa quen, chứ quen rồi thì cảm giác rất dễ chịu. Sẽ tốt hơn nếu bạn có một cây bút dẫn đường cho mắt, mắt sẽ tập trung và tốc độ đọc cũng sẽ nhanh hơn.
2. ĐỌC NHIỀU
Vẫn là đọc nhiều, càng đọc nhiều, bạn càng có môi trường để luyện tập, càng luyện tập nhiều, bạn càng giỏi. Vậy thôi.
6/ ĐỌC LÀ ĐỌC, SUY NGẪM LÀ SUY NGẪM.
Tác dụng của việc đọc nhanh, đọc lướt là để bạn có cái nhìn bao quát và hệ thống được sách đang nói về điều gì, sau đó bạn vẫn có thời gian để xem lại những chỗ mình đánh dấu và đánh giá xem mình có nên đọc lại hay không mà.
Nhiều người (và cả mình trước đây) cũng rất thích kiểu vừa đọc vừa ngẫm. Ok, không sao cả, vì nó rất là hay. Nhưng trong phạm vi về phương pháp đọc nhanh, mình sẽ không đề cập đến nó. Suy cho cùng, sau khi bạn đã có cái nhìn tổng quát và lọc ra được những ý chính mình cần chú trọng thì bạn vẫn có thời gian để suy ngẫm cơ mà. Hãy nhớ rằng:
Bạn có thể SUY NGẪM trong quá trình ĐỌC. Nhưng bạn KHÔNG THỂ ĐỌC trong quá trình SUY NGẪM.
Có thể bạn vừa đọc vừa suy nghĩ, nhưng như thế thời gian sẽ lâu hơn và có khả năng cao là bạn cũng sẽ mất thời gian để hoàn thành một cuốn sách hơn, có thể là còn chẳng bao giờ hoàn thành nó. Thay vì vậy, chọn một cách nhẹ nhàng hơn, ĐỌC XONG RỒI SUY NGẪM, chia nó ra làm 2 công đoạn, vậy chẳng phải nhẹ nhàng và sướng hơn sao?
-----------------------------------------------------------------------------
Phù, viết được xong cái bài này cũng bở cả hơi tai. Nhưng hi vọng rằng nó sẽ giúp ích được cho các bạn trong quá trình đọc sách.
Mình tin rằng khi các bạn hiểu được những điều đơn giản này thì không cần phải tự làm khổ mình với những cuốn sách dạy đọc nhanh nữa, bởi thực ra không phải ai cũng đủ kiên trì và nỗ lực để tập luyện chúng.
Như mình đã nói, đọc sách nhanh có lợi cho bạn rất nhiều, nhưng trước khi đọc nhanh, chúng ta phải hiểu bản chất chữ nhanh là gì, nhanh là như thế nào, và nhanh ở đâu. Chỉ có vậy thì chúng ta mới có thể đọc nhanh hơn được.
Hy vọng rằng bài viết sẽ mang lại những giá trị thiết thực cho các bạn, giúp các bạn bớt khổ hơn khi đọc. See you again! 
P/s: Bài mình viết nhìn dài như thế nhưng cũng chỉ có một vài THÔNG ĐIỆP và KEYWORD (TỪ KHÓA) mà thôi. Nếu nắm được chúng, các bạn cứ comment cho mình biết nhé ^^

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này

Lưu trữ Blog